Trong vài năm trở lại đây, thỏ sư tử nổi lên như một hiện tượng đầy thú vị ngay với cả những ai không quan tâm lắm đến việc nuôi thú cưng. Ấn tượng bởi bộ lông xù bông và giống bờm của sư tử đực còn nhỏ, thỏ sư tử thành đề tài bàn tán của người lớn và gây sốt trong các nhóm cô cậu tuổi teen.
Còn được gọi với cái tên là thỏ mèo hay “quái thỏ”, thỏ sư tử đặc biệt được lứa tuổi teen ở Việt Nam rất yêu thích. Những chú thỏ sư tử trông đáng yêu, như thú nhồi bông nhỏ nhắn xinh xắn không những trở thành vật cưng của nhiều cô cậu, mà còn được các cô cậu ở lứa tuổi này đưa vào kinh doanh hết sức sôi nổi. Và những ai yêu thích sự mới lạ này, thì không tiếc tiền để sở hữu cả đàn thỏ sư tử, cũng không quản ngại cất công lùng kiếm những chú thỏ sư tử có màu lông,bờm lông thật đẹp.
1. Tổng quan về thỏ sư tử
Thỏ sư tử có tên tiếng Anh là Lionhead Rabbit là giống thỏ mới, thuộc giống Châu Âu được lai tạo từ thỏ nhà, thỏ Angora, sau đó là cáo Thụy Sỹ và thỏ lùn Bỉ, giống này còn có gen của thỏ Jersey lông dài. Được Hội đồng Rabbit Anh (BRC) công nhận vào năm 2002, nguồn gốc của thỏ sư tử được cho là từ Châu Âu, cụ thể là từ Bỉ.Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện nguồn gốc của những chú thỏ sư tử xinh xắn này hãy còn rất nhiều bàn luận, thậm chí còn được xem là nhiều điểm còn mơ hồ chưa được làm rõ. Cho đến nay, khi nói về nguồn gốc của thỏ sư tử, chỉ có 3 yêu tố đặc trưng được xem là chắc chắn nhất rằng thỏ sư tử đến từ Châu Âu, giống Angora và là một trong những đột biến điển hình nhất của loài thỏ kể từ năm 1932.
Thỏ sư tử được nhập vào Mỹ từ cuối những năm 1990, trở thành vật cưng phổ biến được nhiều người chọn nuôi sau chó và mèo, nhưng cho đến nay vẫn còn trải qua những giai đoạn nghiên cứu đánh giá của Hiệp hội nuôi thỏ của Mỹ (ARBA).
Thỏ sư tử được du nhập vào Việt Nam cũng không lâu, tuy trở thành cơn sốt trong giới yêu thích thú cưng một thời gian, song không phải ai cũng có thể nuôi thành công thỏ sư tử vì thực tế, việc nuôi được một chú thỏ sữ tử cảnh sống tốt và có tuổi thọ như thường đề cập không dễ.
2. Đặc điểm của thỏ sư tử
Đặc điểm của thỏ sư tử khác hẳn với thỏ nhà bình thường nên rất dễ để phân biệt. Đặc trưng rõ nhất là ‘bờm” lông quanh đầu của giống thỏ này khá giống bờm lông của sư tử đực nhỏ. Cũng chính đặc điểm tiêu biểu này mà nó đã có tên thỏ sư tử khá thú vị. Các phần lông còn lại của thỏ sư tử đều có độ dài trung bình và mềm.
Ngoài bờm lông quanh đầu, một số thỏ sư tử còn có lông dài quanh chân, má và ngực, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là những chú thỏ sư tử có bờm quanh đầu. Màu lông của thỏ sư tử có màu trắng, đen, vàng, cô cô la, khói, xanh, 2 màu trộn gồm trắng và một màu khác, hoặc 3 màu trộn gồm màu trắng và 2 màu khác, …. Các chú thỏ sư tử đực thường có bờm lông dày hơn thỏ sư tử cái.
Không chỉ dễ phân biệt với thỏ nhà bởi bộ lông, thỏ sư tử còn có các đặc điểm khác không giống thỏ nhà như thân thường mập tròn hơn, tai ngắn hơn chỉ khoảng 5-7.5cm và thẳng đứng. Một chú thỏ sư tử trung bình có cân nặng khoảng 1.6kg cân nặng nhất không đến 2kg. Thỏ sư tử có tuổi thọ trung bình từ 7-9 năm nếu được chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật.
Thỏ sư tử có đặc tính dễ nuôi, năng động, vui tươi, thân thiện không gây hấn và thích môi trường sống rộng rãi thoáng mát. Thỏ sư tử rất thích chơi đùa, nghịch ngợm thích được chăm sóc nhẹ nhàng. Thỏ sư tử thường không gặp nhiều vấn đề rắc rối về sức khỏe của chúng, ngoại trừ bệnh thần kinh thường gặp. Căn bệnh này được cho là một lỗ hổng trong yếu tố di truyền của giống thỏ mới này, đến nay vẫn còn đang được nghiên cứu, tìm hiểu.
3. Kỹ thuật nuôi thỏ sư tử
Cũng như thỏ nhà, tuy có đặc tính dễ nuôi song việc nuôi thỏ sư tử cũng đòi hỏi những kỹ thuật cơ bản và sự kỹ lưỡng để đảm bảo chúng có thể sống được lâu bên chủ.
Những thiết bị bạn cần có khi nuôi 1 chú thỏ sư tử là khay xả rác vì thỏ sư tử tinh nghịch hay xả rác, bát đựng thức ăn, bình đựng nước, đồ chơi, giấm để khử trùng lồng nếu như bạn nuôi thỏ trong lồng, cỏ khô và gỗ để thỏ mài răng, bàn chải sạch để chải răng và bàn chải lớn để chải lông.
Bạn có thể nuôi thỏ sư tử trong lồng hoặc ngoài vườn nhưng dù là nơi ở nào cũng phải thoáng đãng và yên tĩnh, nhiệt độ vừa phải. Nếu ở ngoài vườn thì phải có mái che nắng mưa cho thỏ, nên có tấm đệm mềm lót cho thỏ nằm.
Thỏ sư tử cũng như thỏ nhà đều là những con vật có bản tính nhút nhát nên khi chăm sóc phải nhẹ nhàng, tránh làm thỏ căng thẳng vì nếu căng thẳng thỏ sư tử sẽ bị tiêu chảy. Nếu gặp phải trường hợp này, hãy cho thỏ ăn bột yến mạch, giúp thỏ hồi phục nhanh, để thỏ nghỉ ngơi và tránh không mang thỏ ra khỏi lồng hoặc di chuyển nhiều nếu thỏ nằm cố định nơi chỗ ở của nó ngoài vườn.
Về thức ăn, bạn có thể cho thỏ sư tử ăn 2 lần/ ngày bằng thức ăn viên của thỏ, cung cấp thêm cỏ khô như hướng dẫn của người bán để đảm bảo đủ chất xơ cho chúng, cũng như lượng nước đủ hàng ngày. Để biết thỏ sư tử thừa cân hay thiếu cân đảm bảo cho sức khỏe, bạn có thể kiểm tra bằng cách miết nhẹ tay dọc sống lưng của thỏ sư tử, nếu cảm nhận rõ đốt sống lưng, da thỏ sần sùi thì hẳn nhiên thỏ sư tử của bạn đang thiếu cân cần phải bổ sung thêm thức ăn, chất xơ và nước uống cho thỏ đầy đủ hơ. Trường hợp cảm nhận sống lưng trơn tru thì thỏ vừa cân tốt cho sức khỏe, còn cảm nhận không rõ đốt sống lưng của thỏ thì thỏ gần như đang thừa cân, cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho thỏ. Đặc biệt ai cũng biết thỏ nói chung thích ăn cà rốt, song bạn không nên cho thỏ ăn quá nhiều cà rốt hoặc trái cây nói chung, bởi nếu thỏ ăn quá nhiều sẽ dư lượng đường, dễ dẫn tới bệnh tiểu đường.
Trong quá trình nuôi, bạn nên cung cấp đủ cỏ khô cũng như loại gỗ của cửa hàng bán thỏ cung cấp để thỏ mài răng, thuận lợi cho quá trình ăn uống của chúng, nếu răng quá dài, thỏ sư tử cũng giống như thỏ nhà đều ăn uống khó khăn. Bạn cũng không nên tự mài răng, cắt móng cho thỏ mà các việc làm này cần phải được bác sỹ thú y hỗ trợ, để đảm bảo sức khỏe an toàn cho chúng.
Một điểm lưu ý quan trọng khác khi nuôi thỏ sư tử là cần phải chải lông 1 tuần 1 lần, để đảm bảo bờm lông của thỏ không bị rối, được sạch, giảm bớt một vài loại rận thường thấy trú ngụ sinh sôi ở các loài thú có lông dài. Nếu như bạn không thường xuyên chải bờm lông cho thỏ sư tử được thì thỉnh thoảng nên làm ướt tay bạn, vuốt bờm lông lên để tránh thỏ sẽ gặm phải cả lông của mình khi ăn. Tuy không phải thường xuyên, nhưng cũng không hiếm gặp các trường hợp thỏ sư tử bị đường ruột hoặc mắc kẹt nhúm lông của mình trong bao tử, do không được chăm sóc kỹ lưỡng. Để ngăn chặn tình trạng này, bạn chỉ cần cung cấp đủ cỏ khô cho thỏ sư tử là được.
Vì thỏ sư tử trông khá ngộ nghĩnh và đáng yêu nên ai cũng muốn cưng nựng nó. Để bảo đảm sức khỏe của thỏ sư tử, nếu bạn muốn cưng nựng thỏ cũng phải lưu ý không xách tai thỏ, không túm lưng thỏ không bắt ngang bụng thỏ. Những cách làm này đều dễ khiến thỏ bị căng thẳng, dễ gãy xương hoặc bị đau ruột. Để nựng thỏ, bạn có thể xòe tay làm quen để thỏ tự đến và vào lòng tay bạn, hoặc bạn có thể hớt thỏ nhẹ nhàng rồi xách nhẹ hai nách lên.